Chúc Thư Cho Con Vào Tháng Tư
Phạm văn Hòa, K18
Con à!
Thấm thoát đã bốn mươi năm gia đình mình rời quê hương trong tình cảnh khốn cùng đất nước. Bao nhiêu người cùng đồng cảnh ngộ như gia đình ta. Trước mặt là tương lai vô định, sau lưng là bầu trời khói lửa mịt mùng. Tiếng bom đạn lạc hướng, tiếng còi lạc lối, tiếng người, tiếng trẻ kêu vang tận trời cao. Có tiếng cười man rợ từ hang cùng ngỏ hẻm, ngây ngô, ngốc nghếch lang thang khắp phố thị. Triệu ngàn cặp mắt lạc thần của người dân vô tội ngỡ rằng đến thời tận thế. Đó là những hình ảnh còn đậm nét trong ký ức của ba vào ngày 30-4 cuối cùng tại quê nhà. Chắc hẳn các con cũng mường tượng được ngày đen tối nhất của đời người, của gia đình mình và của Tổ quốc Việt Nam.
Bốn mươi năm qua rồi, bao nhiêu lần, bao nhiêu người, bao nhiêu bài viết viết về thiên bi hùng sữ của nhân dân miền Nam chiến đấu anh dũng, hy sinh bao nhiêu sinh linh, để rồi trong đơn phương vô vọng vì đồng minh bội phản, cả dân tộc đành gạt nước mắt, nhìn công dã tràng se cát.
Bốn mươi năm, cũng bao lần ba nhắc đến kỷ niệm đau buồn này. Tang chung của đất nước mà! Mỗi người gánh một ít, mỗi người chít sợi chỉ trắng màu tang tản mác khắp cùng năm châu.
Giờ đây ba không viết cho con những gì ba đã viết, không kể cho các con những gì ba đã nói, không lặp lại những gì con đã nghe vào Tháng Tư đau buồn này. Ba đã viết nhiều, kể nhiều, nói nhiều những gì cay đắng trong lòng, nhưng nỗi buồn không đáy sâu thẳm, dù ba có nói, kể, viết cũng không bao giờ hết, mà cảm thấy hụt hẫng chơi vơi. Vậy mà sau bốn mươi năm đắng cay, có người hoạt đầu chính trị muốn thay Tháng Tư Đau Buồn này thành tên khác cho rập khuôn, một số kết bè kết đảng, người đánh trống người thổi kèn, với bọn người bất lương cuồng tín. Thật là trò hề!
Vết thương còn đó không bao giờ lành.
Hôm nay ba viết cho con những lời này cũng là di chúc của đời ba. Một phần cho xứng hợp với xã hội mình đang sống. Phần khác để các con suy ngẫm làm kim chỉ nam khi ba vĩnh viễn không còn.
Sống trong xã hội này, ba không muốn để lại âu lo cho các con khi ba nhắm mắt xuôi tay và bận tâm giải quyết những gì ba để lại. Ba đã hoàn tất những giấy tờ cần thiết, để khi ba bệnh hoạn không có khả năng quyết định được, đau ốm đến thời kỳ cuối, cho đến khi ba qua đời thì các con cứ theo đó mà làm. Ba để tên đứa nào chánh, thứ trong các di chúc để có quyết định tối hậu đến vận mạng của ba, không có nghĩa là ba thương đứa này hơn đứa khác. Nhưng ba căn cứ vào tình trạng gia cảnh, thời gian và không gian cho phép của từng đứa con khi hữu sự; tuy vậy khi cần, thì anh em cùng quyết định.
Cách nay bốn mươi năm,
Ngày rời khỏi nước, ba mẹ không có đồng xu dính túi có giá trị, mà chỉ lận lưng mớ giấy không còn dùng vào đâu được. Mẹ con là người rất tốt, biết vậy nhưng không hề phiền hà, dù phải bán chiếc nhẫn cưới để mua sữa cho con. Tiếc thay tất cả số tiền giành dụm ba mẹ đã đổ vào căn nhà mà ba nghĩ sẽ là gia sản đời mình để lại cho các con. Ít lâu sau ngày ra đi, "HỌ" đã rêu rao gia đình mình đã chết trên đường tìm tự do, và đuổi bà nội con ra khỏi căn nhà của đứa con trai cả đời giành dụm. Thời thế đổi thay, gia đình mình thành tay trắng. Với hai chục dollars của người anh, người bạn, mà cũng là người xếp cũ dúi vào tay ba, khi gia đình mình rời đảo Mã Lai trong chuyến đầu tiên trên đường định cư. Vậy mà sau bao năm giành dụm, ba có được chút ít để lại cho các con. Tất cả đều nằm trong di chúc. Ba từng nghe các con nói là không cần gì gia sản của ba mẹ, vì những gì ba mẹ cho các con thật quá đủ, bằng cách giáo dục, bằng gương hy sinh. Những gì ba mẹ có cứ vui hưởng tuổi già vì ba mẹ cực khổ quá nhiều. Ba cảm động đến ứa nước mắt. Nhưng các con có biết không, ba là người Việt nam sanh trong gia đình nghèo, quen đạm bạc, muốn sống phung phí cũng không được. Các con thử nghĩ miếng cơm và vào miệng, dù không cao lương mỹ vị nhưng ăn vừa miệng là ngon. Cuộc sống ba cũng thanh đạm như vậy không thay đổi được.
Con à!
Cuộc đời con người là nối tiếp nhiều chu kỳ diễn biến theo thời gian. Ngày sanh ra đời, ba không có gì, không biết gì, rồi học đi, học ăn, học nói, và nay ba đã đến hồi trả lại cho đời tất cả những gì ba được học, ân hưởng của gia đình, của xã hội và của con người. Ba không hề buồn vì đây là định luật của tạo hóa, và sẳn sàng chấp nhận, chỉ mong sao thân quyến bằng hữu để lòng thương tưởng khi họ nhắc đến ba, và các con nhớ phần đời di chúc của ba để thành người hữu dụng.
Gia đình ta tuy nghèo tiền nghèo bạc nhưng không nghèo tình thương, sống theo phương châm "Con hơn cha là nhà có phúc" cho tương lai, "Sống cho có hậu có tình với lòng chân thật" cho cung cách xử thế, và "uống nước nhớ người đào giếng, ăn trái nhớ kẻ trồng cây" để biết ơn những người đã giúp chúng ta trên chặng đường đời. Ba biết chắc là nếu các con theo những lời mộc mạc đơn thuần này làm kim chỉ nam cho cuộc sống, thì tình thương và hạnh phúc các con không cần phải đi tìm.
Bốn mươi năm bôn ba nơi xứ người, ba phải phấn đấu từng phút để được sống bình đẳng, hay được đối xử bình đẳng trong xã hội mà bình đẳng được đề cao. Nói như vậy các con cũng hiểu là thực tế và lý thuyết không bao giờ đi đôi. Cứ nhìn công việc hàng ngày, các con phải làm hơn những người bản xứ đồng viện thì mới được cân nhắc và đối xử với sự tôn trọng. Vì họ luôn luôn nghĩ chúng ta là những người đến đây để chia cơm xẻ áo. Ý tưởng này sau bốn mươi năm dù có nhạt dần nhưng vẫn còn đó. Họ đâu tốn kém bao nhiêu khi đầu tư vào ba và các con, mà nay gia đình mình đã và đang trả lại gấp trăm nghìn lần, cho xã hội này thăng hoa, cho cán cân nhân sinh, an sinh xã hội này được hoạt động. Vậy mà dân Việt mình vẫn bị mang tiếng. Các con là thế hệ con cháu phải làm sao để người dân bản xứ lột bỏ cái nón mà họ đã đội lên đầu chúng ta từ bao lâu nay.
Trở lại chuyện quê hương Việt Nam, và quê hương thứ hai mình đang sống. Ngày nào đó, ba mong thế hệ con cháu sẽ một lần làm rạng danh Con Rồng Cháu Tiên. Thế hệ của ba đã không làm được điều đó, và nhóm người cuồng tín đã đưa quê hương này vào con đường Lai Căng - Diệt Tộc. Cuộc tranh đấu hôm nay không như bốn mươi, năm mươi năm trước. Nhất là vào thời đại hiện nay tin tức truyền nhanh như tốc độ ánh sáng, thì chúng ta phải chọn đường hướng đấu tranh thích hợp. Chủ Thuyết Cộng Sản chỉ là "Thời Trang - À La Mode", chỉ là điều nhất thời, không thỏa mãn nguyện vọng đạo đức và nhân sinh của con người, ắt sẽ bị đào thải. Ba đã nói với các con điều này cách nay khá lâu, trước cả thời kỳ bức tường Bá Linh sụp đổ. Và nay con cờ domino Cộng Sản lần hồi bị ngã sập. Cho đến nay khi ba viết di chúc này, chỉ còn võn vẹn trên đầu ngón tay, trong đó có Trung Cộng, ba không thích gọi họ là Trung Quốc, và Việt Cộng, ba cũng không thích gọi họ là Việt Nam, vì họ không xứng đáng được dùng hai chữ thiêng liêng này để đi ra ngoài rêu rao đại diện cho hơn tám mươi triệu đồng bào.
Ngày nay Cộng Sản tại Việt Nam có tiền, có công pháp quốc tế của kẻ mạnh, nhưng họ chưa hề và sẽ không bao giờ đáp ứng được nguyện vọng người dân Việt Nam yêu chuộng tự do nhân bản và bình đẳng. Họ đã tạo giai cấp trưởng giã được gọi là Tư Bản Đỏ để hút máu người dân, ăn chận lòng từ tâm tình gia đình của những người Việt ly hương như gia đình mình, để ban bỗng lộc cho nhóm người của họ. Trong khi bao nhiêu người dân vẫn còn đau khổ, nhất là những chiến hữu của ba còn kẹt ở quê nhà. Cái vô tâm của kẻ mà có người cho là "Người Thắng Cuộc" đã đày đọa người mà cũng có kẻ cho là "Người Thua Cuộc" vào ngồi tù không bản án, không biết ngày đoàn tụ, và cũng không biết chừng nào được kêu án. Bởi CÓ TỘI GÌ ĐÂU MÀ RA TÒA KÊU ÁN. Đó là cái xảo trá quỹ quyệt của người Cộng Sản ở Việt Nam. Đây là nhóm đã từ hang cùng trong ngày 30-4 chui ra, họ cũng đang tìm dòng suối rửa chân để học làm trưởng giả.
Vào mỗi độ Tháng Tư lòng ba khắc khoải, và tự hỏi cái gì sẽ còn lại vĩnh cữu không phải là sự hào nhoáng vay mượn, sẽ không là danh hảo, sẽ không là sự nghiệp. Ba chỉ mong các con sống trở về căn bản cội nguồn, biết từ đâu mình có, từ đâu mình đến đây, và mình phải làm sao xứng đáng lòng kỳ vọng của quê hương của ba mẹ, ông bà, tổ tiên. Nói thì quá dễ nhưng thực hiện thì mênh mông khôn cùng, phải trì chí mới mong đạt được sở nguyện.
Hôm nay các con đã trưởng thành, và ba đã nhận thấy được kể từ ngày mẹ các con qua đời. Gia đình mình vốn dĩ ít ỏi, lại mất thêm một người. Các con nên thấy đó để yêu thương nhau hơn. Tình thương thay vì cho mẹ, thì nay hãy chia đều cho những anh em còn lại. Ba rất buồn khi anh em không thuận thảo, có ích lợi gì đâu! Hãy để tình yêu thương lấp đầy hố sâu dị biệt. Đã vậy, gần đây một người thân nữa qua đời, đứa con dâu của ba, vợ đứa con cả. Ngày mẹ các con qua đời, trăm ngàn đóa hoa đơm đầy nhà quàn, bao nhiêu lời chia buồn từ các nơi, tiễn mẹ ra đi. Ngược lại ngày con dâu của ba qua đời, thật đơn giản, âm thầm, nhẹ nhàng như gió thoảng. Ba có viết vài lờ i để tiễn đứa con dâu "Trở Về Mái Nhà Xưa", rồi một hôm ba nhận được "phong thư màu tím" của người bạn phương xa. Chưa mở nhưng ba biết là phong thư chia buồn với gia đình mình. Ba cảm thấy nghèn nghẹn, cảnh vật chung quanh mờ dần, ba khóc lúc nào không hay. Nỗi buồn và hạnh phúc lẫn lộn ve thành giọt nước mắt. Tấm thiệp in "Caring thoughts are with you today . . ." với những cành hoa nhẹ nhàng màu tím, và mấy dòng chữ:
"H. thân mến,
Vợ chồng M. thành thật chia buồn cùng H. và con trai T. trước sự đau buồn và ra đi của D. Hy vọng thời gian sẽ vơi đi nỗi buồn. Ngoài ra H. cố gắng giữ gìn sức khỏe để anh em chúng ta có cơ hội gặp gỡ, hàn huyên . . . Thân ái".
Các con sẽ tự hỏi, sao ba lại để tâm đặc biệt đến bức thư màu tím! Hỏi tức trả lời!
Tấm thiệp giản dị nhưng tình thương thì vô vàn. Ba cảm ơn người bạn tưởng chừng đã quên, và bạn bè đã chia sẽ niềm đau mất mát của gia đình mình. Ba viết ra đây trong đoạn kết của lá chúc thư này để các con thấy rằng, hãy đừng quên những điều dù nhỏ nhặt chúng ta bắt gặp hàng ngày trên đường đời. Nó đã lót đường cho chúng ta được sống trong tình yêu thương, thì đừng bao giờ quên. Và chỉ có tình yêu thương chân thật mới tồn tại khi chúng ta không còn trên cõi đời.
Con à!
Hôm nay là Tháng Tư Buồn, nói nhiều quá ba đã lạc bước! Nhớ chuyện xưa của ba, ngẫm chuyện tương lai của các con. Những gì ba mẹ dạy dỗ các con, hãy ráng nhớ vì không thể gói ghém trong vài hàng ngắn ngủi. Ba bắt đầu viết "Chúc Thư Cho Con Vào Tháng Tư" hai ngày trước, khi trời bắt đầu mưa, và bây giờ trời vẫn còn mưa như khóc cho thân phận con người lưu vong, khóc cho nỗi đau mất nước. Nhưng qua góc lăng kính khác cuộc đời, mưa đem nguồn suối mát để gội rữa bụi đời, cho hạt nẩy mầm, cho mầm non vươn, cho nụ đơm hoa, để cuộc đời có màu xanh tương lai đầy hy vọng ở thế hệ các con. Cuộc đời gắn liền với định mệnh. Gia đình gắn liền xã hội, và xã hội chịu cùng vận nước. Ba không thể ngồi đây để nỗi đau gậm nhấm đời mình. Và trong ngày đau buồn này, ba chỉ muốn thu hình về đơn vị rất nhỏ trong xã hội: LÀ GIA ĐÌNH, để viết những lời di chúc này cho các con làm kim chỉ nam cho cuộc sống với thật nhiều kỳ vọng nơi thế hệ các con.
No comments:
Post a Comment