Monday, April 27, 2015

Ba Lần Nấu, Bốn Lần Khê
Phạm văn Hòa
 
Sáng nay choàng thức giấc vì tiếng đì đùng sấm sét của cơn mưa sớm.  Hé mắt nhìn đồng hồ 7:14.  Đi vòng nhà tắt đèn trong ngoài, mở màn cửa sổ. Mưa nặng hạt, cây cỏ ngã nghiêng vì gió.  Nhìn ra sân sau, cây Japanese maple vừa trồng chưa được tuần lễ vẫn còn đó qua mấy trận mưa dầm.  Đi ngang qua bếp vẫn còn nặng mùi chả giò.  Đúng ra cả nhà có mùi chả giò.  Có lẽ cả tháng nữa chưa chắc tôi muốn ăn chả giò, dù tuần rồi tôi "thèm" ăn tô bún chả giò như chưa từng được ăn!  Thế rồi thứ Bảy vừa qua dự buổi tiệc của người bạn đồng hương, trước khi ra về to-go cho tôi nào chả giò, nào xôi, mì xào, thịt nướng.  Đó là lý do tại sao tôi có chả giò đem nướng để quên cả tiếng đồng hồ đến độ cháy đen.  Cả nhà bếp um khói, mùi chả giò dù qua đêm vẫn còn "dùng dằng chưa muốn chia tay"! Thèm, thấy đó mà không được ăn, không còn gì buồn hơn!
 
Tôi trở về giường nằm nướng lơ mơ hưởng buổi sáng mưa gió, âm u.  Qua cửa sổ, cây oak cành lá đong đưa ướt sũng.  Trên cửa kính, từng vệt mưa chảy dài như mồ hôi trên chai bia lạnh.  Vậy là trời trở lạnh bên ngoài!  Tôi lẩm bẩm.  Được nằm trong căn phòng ấm cúng, bên ngoài mưa gió như vầy, thật tuyệt vời.  Những người ở vào tuổi của tôi có cái thú riêng mà những người trẻ phải đội mưa đi làm không có được.  Thú nhàn rỗi, dù đôi lúc có cảm tưởng như bị đứng bên lề xã hội, khi nhịp sống vẫn quay đều.  Đây cũng là cảm giác cách nay gần mười năm khi tôi dẹp dọn văn phòng lần cuối để nghỉ hưu. Từng đống hồ sơ đưa vào máy cắt để tiêu hủy những gì còn tồn đọng.  Tiếng máy cắt rèn rẹt, xốn xang như cắt đời  mình thành từng mảnh vụn. Rời văn phòng sau khi từ giã bạn bè lần chót.  Đứng bên đường nhìn dòng xe nối đuôi qua lại, tôi chợt nghĩ từ nay như khách bàng quan của xã hội này.  Thùng carton nhỏ chứa những vật dụng cá nhân, và mang theo chiếc ghế mà tôi ngồi bao nhiêu năm, là hành trang cuối cuộc đời lao động.  Và hôm nay, tôi đang ngồi trên chiếc ghế ấy để ghi lại cảm nghĩ của mình. 
 
Trở lại mấy cuốn chả giò thành than!  Đây không phải là lần đầu mà là lần thứ mấy trong chỉ vài ngày nay.  Hôm thì hâm nồi thịt kho, đáy nồi cháy khét.  Tôi cố vớt vát ít thịt bỏ vào ổ bánh mì ăn sáng.  Hôm sau vừa bắt nồi nấu cháo, thì vừa lúc đứa con trai ghé qua giúp tôi vài việc nặng trong nhà.  Biết đứa con thích ăn thức ăn Việt, nên tôi đổi ý thay vì nấu cháo, bớt nước để nấu cơm. Quay nhìn thằng con đang è ạch dọn dẹp, tôi nhắc chừng:
 
-  Đừng ráng sức, đợi đó ba tiếp.  Tý nữa cha con mình ăn cơm thịt kho dưa giá.
 
Đây là món con tôi thích.  Lúc mẹ nó còn sống, mỗi khi con ghé qua nhà hay lúc đi học xa về là có một nồi thịt kho hột vịt cho con.  Tôi vừa tiếp tay với đứa con, vừa canh chừng nồi cơm.  Quái lạ! Nồi cạn nước, mà cơm sao nhão nhẹt.  Tôi chặc lưỡi, vặn lò thêm chút lửa cho ráo hột cơm.  Tôi chưa hề dùng nồi nầy để nấu cơm bao giờ.  Lại ngửi mùi khen khét!  Ôi thôi, cơm vẫn còn nhão nhẹt, mà đít nồi cháy đen.  Vậy là hai cha con đành ăn McDonald's.  Đáy nồi chùi mãi không ra, và thùng rác nuốt luôn cái nồi cưng của nhà tôi mua lúc còn sanh tiền. 
 
Tôi vốn thích cơm cháy, nên hôm sau bắt nồi cơm nhỏ vốc chừng hai nắm gạo, để lò quá lửa, khoảng chừng năm phút là có chén cơm với miếng cơm cháy ngon lành.  Tôi nấu không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu nồi cơm cháy dòn tưng, nhiều khi còn mời khách dùng cùng để khoe tài.  Vậy mà hôm nay cũng lại khê, vì mãi lo thay nước cho hồ cá mà thằng con út mang qua đây"cho ba nó tiêu khiển".  Lớp cơm dưới đáy cháy đen như than, nhưng nhờ nồi non-stick nên tôi còn vớt vát, không phải bỏ cả nồi như hôm trước.
 
Đó là bốn lần khê-khét trong ba ngày liền.  
Quái lạ! Sao mấy ngày liên tiếp tôi nấu nướng không nên thân. Chỉ hâm nóng mà cũng không được việc.  Có người nghe chuyện bảo tôi nên mua cái timer, chớ kiểu này cháy nhà như không.  Biết vậy, nhưng già rồi hay quên, tai lại nghễnh ngãng, thì chắc gì timer reo tôi nghe.  Nhớ lại khi còn đi làm cho hãng Enron ở downtown Houston.  Building có 50 tầng.  Tôi làm ở tầng thứ 42.  Mỗi trưa đi ăn về, mọi người đứng chờ quanh thang máy.  Khi nghe "Đing!  Đing!", ai nấy quay đầu về một hướng, còn tôi quay về hướng khác.  Ngượng ơi là ngượng!  Lúc đầu tôi không biết tại sao, nhưng sau nầy biết mình bắt đầu lãng tai, tính đến nay là ba chục năm hơn.  Phải chi là lính pháo binh bắn súng cối ầm ầm cho cam!  Bây giờ thì còn tệ hơn, mỗi lần tìm cái cell phone, tôi nghe reo mà đi khắp nhà không biết nó nằm đâu. 
 
Nhớ lại thời gian sau khi nhà tôi mất, tôi phải quăng hết mấy cái ấm vì nấu nước để quên đến cạn queo không còn một giọt.  Cô cháu thương tình mua biếu cái máy nấu nước, nhờ vậy từ đó lúc nào cũng có nước sôi để dùng mà khỏi phải lo cháy nhà.  Kể đến đây, tôi nhớ khi nhà tôi còn sống, lâu lâu vợ chồng già đi chơi xa, gọi nôm na là đi trip.  Xe đang chạy bon bon trên xa lộ hướng ra ngoài thành phố.  Giọng lo âu bà xã tôi hỏi:   
 
-  Ông à!  Ông có thấy tui tắt bếp lửa chưa vậy?
 
Trời đất!  Tôi không nói không rằng tìm chỗ ra xa lộ, lái xe rút về nhà mà trong bụng phập phồng.  Đây không phải lần đầu, mà cũng không là lần chót, khi thì bếp gas, khi thì bàn ủi, khi thì lò nướng, khi thì cửa nẻo . . .
 
Thấm thoát tôi đã tự lo miếng ăn gần sáu năm!  Ban đầu nấu nướng khó khăn, nhưng rồi quen dần.  Cuộc sống cũng đề huề: cà phê sáng, phở trưa, cơm tối.  Thức ăn thì toàn nghe mùi "nhang" vì của bà con, bè bạn cho như tuần trước đây.  Có đứa bạn thương tình khuyên tôi nên có người bậu bạn lúc trái-gió-trở-trời. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn, vì mỗi người một số phận.  Cuộc đời có lúc buồn lúc vui, lúc khổ lúc sướng.  Tôi chấp nhận ăn cơm khê nhưng cảm được hạnh phúc, nhai từng miếng cơm cháy để cảm nhận cuộc đời không phải lúc nào cũng có cơm ngon.  Ăn miếng thịt cháy khô dù đăng đắng, nhưng biết ngon là ngon.  Hương vị cảm nhận là do cái đầu.  Biết đủ là đủ, biết ngon là ngon, giản dị và hạnh phúc.  Tôi không hề muốn thay đổi những gì đã làm, vì đó chính là tôi.  Chấp nhận điều tốt cũng như những sai lầm.  "Ba Lần Nấu, Bốn Lần Khê" nghe ra chỉ là cách đại ngôn lý sự để ám chỉ cái tệ của đời mình.  Vậy cũng còn chưa đủ, có nhiều lần khê-khét trong đời chỉ không tiện kể ra đây!
 
*
**
 
Trời lại bắt đầu mưa.  Cả ngày nay khi mưa khi tạnh.  Tôi tắt đèn rời phòng học.  Đồng hồ chỉ 12 giờ đêm.  Lại một ngày qua mau.  Nằm kéo chăn đắp đến ngực.  Tiếng mưa đánh vào kiếng cửa sổ nghe lách cách như tiếng nhịp trống trong điệu luân vũ.  Hôm nay là thứ Bảy, các vũ trường chắc đông khách dù trời mưa.  Tôi cũng một thời "miệt mài", không đi thì nhớ.  Nay không còn tha thiết vì vận nước sau ngày 30-4.  Trong bóng đêm, mở mắt thiệt to nhưng không thấy gì trong căn phòng thênh thang trống vắng.  Và những đêm có ánh trăng len qua khe cửa sổ cho tôi cảm giác huyền diệu tuyệt vời.  Đêm về là lúc đầu óc tôi làm việc khá minh mẫn, nhớ những điều mà ban ngày không tìm ra câu giải đáp.  Đây là lúc tôi trở về với con người đích thực trực diện với lương tâm.  Chúng ta có thể dối đời, lừa người, nhưng không thể nào lừa dối lương tâm, đó chính là Tánh-Bản-Thiện bẩm sinh đáng yêu của con người.  Trong bóng đêm, mở mắt càng to, ta càng không thấy ngoại vật, nhưng thấy được chính mình, như dùng cell phone selfie những điều tiềm ẩn. 
 
Đêm nay mắt không thấy, tai nghễnh ngãng, nhưng mũi còn thính nhờ vậy tôi mới biết có nồi cơm, nồi thịt bị khê-khét.  Sau mấy ngày thoáng hơi, căn nhà tôi không còn nghe mùi.  Vậy mà nằm đây tôi lại nhớ cái mà tôi không muốn! Tôi nhớ mùi khê-khét đêm nay như tôi nhớ mùi ẩm mốc của rơm-rạ pha mùi trâu bò bên hè nhà năm xưa khi còn bé.  Người dân thành thị làm gì có được cái thú này như những người sống vùng nông thôn như tôi.  Cũng như những người có kẻ hầu người hạ làm gì biết để nhớ mùi khê-khét như tôi đêm nay. Tôi cố tẩy sạch không gian nhỏ bé mình đang sống, nhưng ngược lại đêm nay tôi nhớ nó vô cùng.  Và đó cũng là lý do tôi ghi cảm nghĩ này để sau này đọc lại, hình ảnh, khứu, vị, thính giác của mình được sống lại giây phút đáng nhớ trong khoảnh khắc đời mình.  Nhờ ngòi bút mà nay tôi hình dung được, nhớ lại những sự kiện đã xảy ra trong nhiều năm trước.  Trân quý những gì đã có, âu yếm những gì đi vào kỷ niệm dù nay đã vuột khỏi tầm tay.  Nước có bao giờ trở về nguồn, nhưng là môi trường để đàn cá hồi hàng năm trở về chốn cũ. Kỷ niệm đâu bao giờ tái diễn nhưng là cơ hội để con người sống lại những giây phút nhiệm mầu.  Quê hương tôi còn đó, nhưng nay đã biến dạng để theo kịp đà văn minh của nhân loại cũng có, mà cũng vì xã hội đã đổi chủ thay tên. Tìm đâu được mái nhà tranh năm xưa có cây rơm mùi rạ đặc biệt tuyệt vời không bắt gặp bất cứ nơi nào.  Tìm đâu người thân yêu đã ra đi một lần và vĩnh viễn.  Tìm đâu được mớ kỷ niệm yêu dấu trong lúc cô đơn . . . và tìm đâu mùi KHÊ-KHÉT mà tôi cố tình tẩy xóa khỏi không gian nhỏ bé này của câu chuyện đời "BA LẦN NẤU, BỐN LẦN KHÊ".
Tôi mong từ nay sẽ không nấu cơm, hâm thịt khê-khét nữa . . . nhưng cuộc sống sẽ rất nhàm chán, đâu còn gì để nói phải không?  Sự đời rắc rối là vậy!    
 
 

No comments: