- Trở Về Mái Nhà XưaPhạm văn Hòa"Về đây khi mái tóc còn xanh xanh
Về đây với mầu gió ngày lang thang
Về đây xác hiu hắt lạnh lùng
Ôi lãng du quay về điêu tàn...""Trở Về Mái Nhà Xưa" là bài "Come Back To Sorrento" đã được phổ nhạc cách nay lâu lắm và được nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt, nhưng bốn câu mở đầu bài nhạc sao nghe như kinh cầu tiễn người về miền miên viễn. Tôi mượn lời ca này để đưa tiễn linh hồn người con dâu trở về mái nhà xưa, mà bốn mươi sáu năm trước đã rời nơi đây đến với chúng ta nơi trần thế. Nợ trần ai đã trả xong, giờ Debbie thanh thản ra đi thơ thới. Kiếp sống con người đầy âu lo bất trắc từ khi mở mắt chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Con người không sống như cây cổ thụ trăm năm, không có sức chịu đựng như con kiến, không chịu áp lực nặng nề như con tôm dưới đáy đại dương, không mạnh như loài dã thú, nhưng chúng ta làm bá chủ muôn loài vì có trái tim (1) và khối óc (2), vì "Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ" như Pascal đã viết.Tôi đánh giá trái tim trước khối óc, vì khối óc mà không có trái tim thì loạn lạc nhiễu nhương. Nhờ có trái tim mà lẽ phải được ca tụng, tình yêu thương nhân loại được tôn sùng để cuộc sống thăng hoa, và nền văn minh nhân loại được tồn tại đến ngày nay.Tôi khóc cho đứa con dâu "Về đây khi mái tóc còn xanh xanh". Cả cuộc đời hy sinh, lo cho những đứa trẻ phạm pháp mong cải hóa chúng bằng điều tốt lành để trở thành công dân hữu dụng. Khi yêu đứa con trai lớn của tôi, Debbie đã hy sinh thật nhiều vì Thức là đứa con gặp nhiều bất hạnh đau ốm. Debbie lo từng chút khi Thức thay thận để sớm trở lại cuộc sống bình thường, và tình yêu dù đến muộn, nhưng đám cưới đơn giản đã được tổ chức tại Las Vegas cách nay hai năm. Thức vì công việc, thay chỗ ở như thay áo. Debbie phải lặn lội theo người yêu và theo chồng không hề than van. Đối với Debbie, sự việc thật giản dị, cô ta chấp nhận mà không hề phàn nàn hay đặt thành câu hỏi. Được sống với vợ chồng Thức mấy hôm, tôi thấy rõ điều đó. Debbie xốc vác, làm việc vườn sau nặng nhọc. Nhất là khi Thức thay thận thì Debbie lo lắng đủ điều, có ngay bên giường khi Thức nặng nhọc trở mình!Đó là duyên số hay duyên nợ! Đâu có ai ngờ hai tế bào từ hai phương trời, hai bên bờ lục địa, trong hành trình cuộc đời đã gặp nhau kết hợp nên duyên chồng vợ. Đám tang hôm nay của Debbie cũng giản dị như đám cưới của cô và Thức cách nay hai năm. Người thân vỏn vẹn trên đầu ngón tay. Không rườm rà, màu mè, phô trương. Debbie đến và đi nhẹ nhàng như cơn gió. Nhưng đó là ý muốn của Debbie theo lời trăn trối.Viết đến đây không khỏi bồi hồi và quặn lòng nhớ lại cách nay mấy hôm...Tiếng chuông điện thoại reo:- Ba! Debbie đang hấp hối ở nhà thương Willcrest ở Tulsa Oklahoma!Thức báo tin trong tiếng nghẹn ngào!Tôi nghe như sét đánh ngang tai!Tôi không biết tâm thần mình đang ở trạng thái nào, nhưng khuyên Thức bình tỉnh kể rõ đầu đuôi. Tôi cứ nghĩ là tai nạn hay việc gì bất trắc đột ngột xảy đến. Nhưng sau khi nghe câu chuyện, mới biết là biến chứng của cuộc giải phẫu gần mười năm trước. Và hiện nay, gan, thận hết hoạt động, và sẽ kéo theo các cơ phận khác trong cơ thể như thế domino, nhanh chóng, hết cứu vãn. Với sự đồng ý của Thức và mẹ Debbie, bác sĩ sẽ ngưng thuốc giữ tim mạch, và con bệnh sẽ tùy thời gian lịm dần, cho đến khi tim ngừng đập. Và 3:45 phút ngày hôm sau Debbie đã ra đi nhẹ nhàng, thi hài sẽ được hỏa táng ngay sau khi thủ tục hoàn tất. Nắm tro tàn sẽ được mang về nhà và vào ngày sanh nhật của Debbie sẽ có lễ Celebration of Death. Thức muốn tôi và gia đình hai em nó có mặt vào dịp này. Chìu con, tôi không làm sao hơn. Ngồi nhà mà lòng ngổn ngang trăm mối. Gia đình tôi đã nhỏ, nay còn ít hơn kể từ ngày mẹ chúng qua đời cách nay sáu năm. Tôi không còn than thân, mà chấp nhận những gì đang đến và sẽ đến, vì tôi chỉ là con múa rối mà Thượng đế đã sắp sẵn cho hành trình đời mình.Đốt nén hương trên bàn thờ gia đình. Nhìn ảnh mẹ chúng lung linh dưới làn khói mơ hồ, tôi cầu nguyện cho linh hồn đứa con dâu được thanh thản sau bao nhiêu tháng ngày nơi trần thế. Debbie mất, xã hội vẫn còn những đứa trẻ còn rất trẻ phạm tội. Xã hội vẫn dẫy đầy bất công, và con người vẫn còn ganh đua. Tội nghiệp những người trẻ thiệt trẻ nhưng có trái tim Bồ Tát, ôm hoài bão quá lớn trong vòng tay nhỏ bé để phải hy sinh mạnh sống như Kayla Jean Mueller ở nửa vòng địa cầu xa quê nhà. Còn Debbie đã từng lái xe xuyên tiểu bang đến các trại xa xôi quản chế các vị thành niên tội phạm. Debbie vì công vụ phải thi hành, nhưng trong tim là sức đam mê của Debbie khi còn sanh tiền.Hơn ai hết, tôi hiểu tâm tình đứa con trai, vì đoạn đường tôi đã trải qua, vị đắng cuộc đời tôi đã nếm. Tôi cảm thấy bất lực, nhìn đứa con trai đau khổ khi người vợ ra đi. Không đau khổ nào giống đau khổ nào. Mong vết thương chóng lành theo liều thuốc thời gian.Giờ đây, Debbie đã, về đây với mầu gió ngày lang thang!Trời đã về chiều, ánh tà dương còn sót hiu hắt của một ngày tàn. Ngày mai trời lại sáng. Cây lá non mướt, hoa đua nở để chào Xuân. Nhưng con người khi đã ra đi thì biền biệt, mất hút vĩnh viễn, để người ở lại nhiều tiếc thương luyến lưu. Có chăng chỉ còn mớ kỷ niệm cho một đời người.Ngậm ngùi thay!Về đây xác hiu hắt lạnh lùng
Ôi lãng du quay về điêu tàn...
Phạm Văn Hòa
Houston, tháng 3, 2015
Viết để tưởng niệm người con dâu
Deborah Phạm (8/19/1968 - 3/15/2015)
Thursday, March 19, 2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment