Monday, July 5, 2010

Viết cho người bạn quá cố: Trần Công Triệt

Phạm Văn Hòa 2001

*

**

Houston lại vừa qua cơn bảo Claudette. Cách đây 2 năm T.C. Triệt cũng ra đi vào những ngày tháng mưa gió tơi bời như hôm nay, tôi cảm thấy ngậm ngùi nên xin gởi tâm tình này, được viết vào tháng 7, 2001

Hôm nay là ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ, tôi ngồi đây buồn cho vận nước Việt Nam chúng ta. Một dân tộc có hơn bốn ngàn năm lập quốc để rồi hơn hai triệu con dân phải ngậm ngùi bỏ xứ ra đi, xa lìa nơi chôn nhau cắt rún, mỗi người mỗi ngã khắp cùng bốn bể năm châu!!!

Cứ mỗi độ Xuân về, cứ mỗi lần phải cử hành Ngày Quân lực ở phương trời xa lạ hay ngày Chiến Sĩ trận vong mà nhân dân Hoa Kỳ nhớ công ơn chiến sĩ của họ, hoặc khi dân chúng Hoa Kỳ mừng Ngày Độc lập như hôm nay. . . là mỗi lần nỗi buồn man mát dâng lên trong lòng người tha hương. Tôi giam mình trong căn phòng trống vắng thay vì tưng bừng ăn mừng lễ lạc như người dân ở đây. Nhìn những nén hương nghi ngút mà tưởng nhớ đến tổ tiên, đến cha mẹ, đến bạn bè kẻ còn người mất. Lần dỡ quyển Lưu Niệm Khóa ngậm ngùi đọc lại mấy câu thơ mà tôi viết cách nay ít lâu:

Quyển hình lưu niệm ngày xưa,

Tình thầy nghĩa bạn vẫn chưa phai mầu,

Tuổi xanh giờ đã bạc đầu,

Người còn, người mất, người sầu tha hương

Hôm nay, có lẽ hàng ngàn, hàng vạn chiến hữu Cộng Hòa và anh em đồng môn Võ Bị cũng cùng nỗi buồn như tôi. Thấm thía vô cùng khi nhìn dân người Hoa Kỳ mừng ngày lập quốc mà chua xót phận mình trong kiếp tha hương. Cũng cùng một lý tưởng chiến đấu cho Tự Do mà một quân đội của một nước tuy chỉ có vài trăm năm lập quốc, nhưng chiến sĩ của họ được vinh danh và nhớ ơn hy sinh vào những ngày lễ lạc như hôm nay. Còn anh, tôi cũng đã từng hy sinh cho một dân tộc được trường tồn, chiến đấu hào hùng trong những điều kiện thiếu thốn, quân đội ta lập nhiều chiến công lẫy lừng như Trị Thiên, An Lộc . . . mà nay phải ngậm ngùi, cô đơn trong kiếp ly hương; một số chiến hữu khác còn khổ hơn vì phải sống trong xã hội vô nhân thống trị bởi bọn người không cùng chiến tuyến.

Năm nay tôi lại càng buồn hơn khi phải tiễn thêm một người bạn đồng môn ra đi về nơi vĩnh cữu . . . Tôi khóc vì anh, đã bỏ anh em ra đi. Dù mới tuần trước đây, tôi có ghé thăm và nhìn bóng anh gầy guộc lung linh đổ dài khi buổi chiều chầm chậm xuống. Dạo đó, tôi có thói quen mỗi tuần vài lần tạt ngang qua tiệm convenience store của anh để trò chuyện. Nhất là khi anh bị bệnh càng ngày càng nặng thì tôi hay tìm cách để an ủi hay tâm tình cùng anh. Khi làm việc, vào những lúc ăn trưa tôi hay vào internet đọc những bài liên quan đến bệnh trạng của anh để khi chiều, trên đường về nhà, ghé kể anh nghe. Có lúc đang trò chuyện, anh vội vã bỏ tôi để đi vệ sinh. Tôi rõ bệnh tình của anh, nên chúng tôi rất tự nhiên, không hề khách sáo.

Hôm nay khi ghé thăm, anh mời tôi ăn gói chip da heo khô với lon bia Bud. Anh kéo tôi ra ngoài trước tiệm khoe là anh vừa kẻ, sơn bảng hiệu mới cho tiệm. Rồi anh kể chuyện tiếu lâm, hai đứa vui cười thoái mái.

Chuyện là như vầy:

Có một người lâu ngày đi ngang qua tiệm bán cá của bạn mình. Nghe than là tiệm buôn bán ế ẩm. Anh bạn nhìn trước sau rồi nói:

Mầy buôn bán ế là phải vì mầy viết "Tại đây có bán cá", không câu khách được. Mày nên sửa lại là "Tại đây có bán cá tươi" thì may ra khá hơn. Nghe lời, người chủ tiệm cho sửa câu quảng cáo như lời người bạn dặn. Ngày qua ngày, tiệm vẫn không khá hơn. Một người bạn khác đi qua nghe than ế ẩm, anh này đề nghị sửa lại là "Tại đây có bán cá tươi đủ loại". Kết cục chẳng khá gì hơn. Một hôm, có người bạn khác qua chơi nghe than là anh đã đổi bảng quảng cáo mấy lượt mà vẫn không khá, ế ẩm vẫn còn ế ẩm! Anh bạn này nói:

- Tiệm mầy bán cá thì để là "Tại đây có bán cá" nghe cho nó gọn, không lẽ mày bán cá ươn, thì cần gì mà phải nói là tươi hay không tươi làm cho thiên hạ nghi ngờ. Mầy cũng không nói một loại cá hay đủ loại, chừng khách vào sẽ biết. Nhưng có một điều có thể mày nên để ý đến cách đối xử với khách: vui vẽ, thân thiện và nhất là thành thật với khách để họ còn trở lại và giới thiệu với người quen biết.

Thật là một bài học đáng được chúng ta suy gẫm! Đó là cái thâm trầm của bạn Triệt.

Đặc biệt hôm nay anh khoe với tôi là anh đã hưởng ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong vừa qua thật bình an và hạnh phúc với gia đình. Được đưa đi chơi xa ngoài tiểu bang. Nhờ bác sĩ "trang bị" đặc biệt mà anh khỏi cần phải thường xuyên dừng xe để thăm mấy cái rest area dọc lộ trình. Anh nói với sự sung sướng chân tình. Tôi nghe, tuy ngoài mặt tươi cười phụ họa mà lòng quặn thắt. Thế mới biết, tìm lại được những khả năng bẩm sinh, bị đánh mất, dù nhỏ nhoi mấy cũng đủ mang cho ta niềm hạnh phúc vô vàn!

Khi chiều xuống dần, tôi lờ mờ nhìn nữa khuôn mặt anh nhạt nhòa với bóng đêm. Đàn muỗi vo ve, hai đứa thay phiên nhau đập và cười đùa là chưa bằng muỗi Cà Mau. Chia tay anh hôm ấy, tôi như có linh cảm vừa nghe những lời trăn trối. Tôi cố gắng làm ra vẽ tự nhiên căn dặn:

- Anh em chỉ còn mấy đứa, mầy gắng trị liệu chóng lành bệnh, đừng có thái độ buông xuôi bỏ anh em mà đi, buồn lắm! Khi xưa mầy còn gian khổ gấp mấy mà còn khắc phục được. Còn nay, y khoa càng ngày càng tiến bộ. Mầy đi chơi xa được rồi đó!

Anh thừa biết là tôi an ủi. Không trả lời mà chỉ nhìn xa xăm siết tay tôi từ biệt mà giờ thành vĩnh biệt. Vì hôm đó là lần cuối tôi hàn huyên tâm sự cùng anh.

Tuần sau được tin anh mất vào lúc quá nữa đêm, khi thành phố Houston vừa qua cơn bảo lớn. Điện thoại nhà tôi reo vang khi trời gần sáng. Bên kia đầu dây là giọng nói qua nước mắt của đứa con trai của anh cho biết là anh "đi" trước đó không lâu. Tôi nghe lạnh từ đốt xương sống, dù từ lâu tôi biết là anh không sao chống chọi được căn bệnh trầm kha ngặt nghèo mà anh đang vương mang. Tôi thì thầm: "Triệt ơi! Thôi mày đã trả hết nợ trần gian, ra đi cho linh hồn được thảnh thơi, cho thân xác hết đau đớn".

Tôi vội vào nhà thương nhìn anh lần chót khi mặt trời còn yên ngũ. Anh nằm lặng thinh, khuôn mặt thật bình thản không còn hằn vết đau vì cuộc đời, vì bệnh tật mà anh đã chịu đựng từ nhiều năm tháng qua. Anh như người trong giấc ngũ say, không buồn phiền, ưu tư. Anh đã thực sự trở về nơi tình yêu thương không biên giới.

Khi tin anh qua đời được gởi trên diễn đàn Võ Bị, tôi mới có dịp hiểu anh nhiều hơn. Biết anh đã trải qua cuộc sống nhọc nhằn, khổ hơn các bạn tù bị khổ. Có đọc những email của các Niên đệ ở tù chung với anh từ trại Long Giao đến trại Nam Hà, tôi mới thấy sức chịu đựng và tinh thần phấn đấu vô song của anh. Các bạn tù đã gán cho anh biệt danh là "Con Bà Phước" vì trong suốt thời gian này, anh phải dùng tàn sức mình đốn củi thuê cho bạn tù để đổi thêm phần bồi dưỡng, hầu có đủ sinh lực chờ ngày đoàn tụ và đùm bọc gia đình đến bến bờ Tự Do.

Còn tình cảm anh đối với riêng tôi, nhất là khi anh bệnh hoạn, ngày càng khắn khít. Tôi không bao giờ quên là có lần anh đã tự nguyện vận động quyên góp để giúp tôi có đủ tiền in Đặc San Võ Bị ở Houston thay vì xuất quá nhiều tiền công quỹ. Số tiền nhỏ anh cho tôi để lo chuyện công ích đã giúp tôi hoàn thành lời hứa mà tôi hằng tâm nguyện. Tôi cám ơn anh. Anh bảo là chuyện nhỏ. Triệt ơi! Chính nhờ những chuyện nhỏ mới làm nên chuyện lớn. Tình người là ở chỗ đó. Làm sao tao quên mầy khi viết lại những dòng chữ này gởi đến anh em. Dù tao không làm sao viết hết được về mày, nhưng ít ra tao cũng nói lên được với linh hồn mày những điều tao muốn nói.

Những ngày cuối ở nhà quàn, mày nằm đó trong áo quan, má được đánh phấn hồng trông như người khỏe mạnh ngũ say. Chúng tao, anh em cùng khóa, thay phiên nhau ở với mày mấy ngày chót. Buổi lễ trước khi đưa mày ra nghĩa trang, đông đủ đồng môn Võ Bị đến chào tiển đưa. Anh em cùng khóa thằng Ấn, thằng Toán rước kiếm và hầu kiếm mầy với đầy đủ lễ nghi. Bên ngoài hôm ấy trời thật tốt, mây cao lơ lững, gió nhè nhẹ lay lá quốc kỳ phủ trên quan tài. Cuối cùng . . . Chiếc áo quan ôm ấp hình hài mày đã đưa mày vào lòng đất, để lại tiếng sụt sùi của vợ con, anh em và lòng thương tiếc của mọi người.

Tình cảm đến và đi, tiền tài danh vọng rồi cũng phải để lại sau lưng khi con người trở về nơi Vĩnh Cữu. Nhưng tình tự anh em, lòng can đảm, tính kiên trì bất khuất và đức tin của MÀY: TRẦN CÔNG TIỆT, sẽ còn tồn tại thật lâu trong lòng mọi người.

Phạm Văn Hòa

Tháng 7, 2001




No comments: